Người ta hay nhắc tới Nha Trang, Đà Lạt, đất Mũi Cà Mau, Vũng Tàu,… mà ít ai nhắc tới mảnh đất Long Xuyên, thành phố tỉnh lỵ của tỉnh An Giang, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bạn có muốn thử một lần tới Long Xuyên để “say cả đời” chưa? Và chắc chắn, Long Xuyên không hề chán đâu nhé! Cùng chúng tớ khám phá xem Long Xuyên có gì chơi nào!
TP. Long Xuyên lớn thứ 2 ở đồng bằng sông Cửu Long, chỉ sầm uất sau TP. Cần Thơ, nằm cách Sài Gòn khoảng 190 km. Để di chuyển tới đây, chúng tớ chọn phương tiện xe máy theo cung đường: Đi hết Cầu Mỹ Thuận, rẽ phải vào Đồng Tháp, qua phà Vàm Cống là tới TP. Long Xuyên.
Có bạn người Long Xuyên nên chúng tớ được hai ngày rong chơi có hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp đó! Long Xuyên – vùng đất hào sảng đặc trưng của miền Tây này – mang vẻ đẹp dịu dàng, quyến rũ với những cánh đồng lúa vàng ươm, với hương thốt nốt thơm nồng, với tình người nhiệt thành.
Mục Lục [ẩn]
Chùa Tà Pạ
- Địa chỉ: Chùa nằm trên núi Tà Pạ, thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
- Đường đi: Từ TP. Hồ Chí Minh, chúng tớ đi theo QL.1A – cầu Mỹ Thuận – Quốc lộ 80 – đi Vàng Cốm – QL.91- TL.941 đến thị trấn Tri Tôn. Từ thị trấn Tri Tôn các bạn đi hết đường Nguyễn Trãi vào Khu du lịch Tức Dụp là tới chùa Tà Pạ.
Điểm đến đầu tiên của chúng tớ là chùa Tà Pạ (hay còn được gọi là chùa Núi, chùa Chưn – Num). Nhìn từ xa, chùa như đang lơ lửng giữa màu xanh tươi mát của cây cối. Ngôi chùa mang kiến trúc Khmer đặc trưng của những ngôi chùa Phật giáo Tiểu Thừa, có hàng lan can được trang trí bằng hàng tượng đúc màu cam đỏ và tím lơ lạ mắt, có những ông lục hiền lành ê a học chữ Khmer, có sự vắng lặng của không gian rộng ở trên núi với cây xanh bao quanh,…
Từ trên chùa, chúng tớ có thể phóng tầm mắt nhìn ngắm toàn bộ cảnh quan thị trấn Tri Tôn, các ngọn núi như: Núi Cô Tô, Núi Cấm, Núi Dài và những cánh đồng thốt lốt. Chùa có khoảng sân rộng để người dân tập thể dục, đánh cầu, trò chuyện,… vào buổi sáng và buổi chiều.
Hồ Tà Pạ
- Địa chỉ: Xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Hồ Tạ Pạ nằm trong đồi Tà Pạ, đây là một trong bảy ngọn núi trong địa danh “Thất Sơn” huyền bí của An Giang. Từ chùa Tà Pạ, bạn đi khoảng 400 m là tới đỉnh đồi Tà Pạ. Đường lên đồi khá xấu và khó khăn nên chỉ có thể di chuyển bằng xe máy hoặc đi bộ. Nếu bạn có đi ô tô thì hãy gửi xe ở dưới và đi bộ lên nhé.
Hồ Tà Pạ – một “bức tranh thủy mặc” nên thơ được thiên nhiên ưu ái tạo nên. Hồ có màu xanh ngọc bích được tạo ra cách đây khoảng chừng 10 năm nhờ quá trình khai thác đá. Mặc dù có bàn tay con người động vào nhưng thật sự cảnh vật nơi đây vẫn còn rất tự nhiên và hoang sơ.
Màu nước hồ được biến đổi liên tục nhờ độ sâu, nhờ những gam màu của nền đá ở đáy và ánh sáng mây trời – đây chính là một điều tạo lên sự huyền ảo khiến khách du lịch vô cùng thích thú. Hồ còn được du khách ví như “tuyệt tình cốc của Miền Tây”. Cắm trại ở hồ Tà Pạ là một trong những trải nghiệm rất thú vị đó bạn, tiếc là chúng tớ không có nhiều thời gian nên chỉ có thể ghé qua tham quan.
Cánh đồng thốt nốt
Dọc những con đường nối từ các huyện Châu Đốc, Tri Tôn, Tịnh Biên, chúng tớ được chiêm ngưỡng tầng tầng, lớp lớp cây thốt nốt được trồng xen kẽ trên những cánh đồng. Ở đây, tớ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những cánh đồng vàng ươm mùa thu hoạch và sự quyến rũ ngọt ngào đến từ hương thốt nốt thơm nồng – một sản vật đặc trưng của An Giang.
Cây thốt nốt đã gắn bó với đồng bào Khmer từ bao đời, là điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho những cánh đồng bát ngát. Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng nọ, năm này nối tiếp năm kia, thốt nốt vẫn đứng sừng sững giữa cánh đồng, là nơi trẻ con vui đùa, cũng là bóng mát giúp người nông dân nghỉ ngơi, tránh nắng. Một bức tranh đậm chất thôn quê miền Tây dân dã, thanh bình.
Nếu đến An Giang vào tháng 10 tháng 11 theo người dân nơi đây là khoảng thời gian chuyển bị cho vụ mùa Đông Xuân. Bạn không chỉ được chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa chín rợp vàng ươm mà còn hoà mình vào bầu không khí mùa gặt lúa.
Rừng Tràm Trà Sư
- Địa chỉ: Xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang.
- Giá vé: 60 – 75.000 VND / người cho tất cả các chi phí từ tham quan, đi lại, thuyền bè.
Chúng tớ xuất phát từ thành phố Châu Đốc chạy xe theo hướng về thị trấn Nhà Bàng, đến ngã 3 Nhà Bàng đi Tịnh Biên – Tri Tôn thì rẽ lối Tri Tôn, đi tiếp vài km sẽ có biển chỉ dẫn vô rừng. Được đánh giá là điểm tham quan đặc sắc nhất của An Giang, là niềm tự hào của du lịch tỉnh, Trà Sư mang đầy đủ những nét đặc trưng sông nước, với hệ sinh thái điển hình của vùng rừng ngập phía Tây sông Hậu.
Chiếc thuyền rẽ sóng nước đưa du khách đi vào sâu trong rừng tràm ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên đẹp mắt vừa lưu lại những bức hình tuyệt đẹp. Các bạn sẽ được hòa mình vào thiên nhiên trong lành ngắm những bông điên điển với sắc vàng óng ả, màu xanh của bèo tây được phủ kín bởi khắp bề mặt nước. Khi tới bến thuyền nhỏ hơn nằm sâu trong rừng, chúng tớ được chuyển sang đi ghe chèo tay, để tránh gây ồn ào ảnh hưởng các loại động vật, loài chim đang trú ngụ và cũng để thuận lợi cho việc len lỏi qua những con đường bèo quanh co.
Khi đến du lịch rừng tràm Trà Sư, bạn nên ghé qua Vọng gác quan sát để chiêm ngưỡng toàn bộ rừng tràm rộng bao la bằng kính viễn vọng có tầm nhìn xa 25 km nhé! Từ đây bạn có thể thấy thấp thoáng ngôi làng của đồng bào Khmer và Kinh sinh sống. Đặt chân ở Vọng gác vào lúc sáng sớm từ 7- 9 giờ, bạn có thể nhìn thấy những loài chim tụ tập rất đông trên những ngọn cây. Từ 16 giờ đến 17 giờ là một thời điểm thích hợp để ngắm hoàng hôn tại Vọng gác và nhìn những đàn chim bay về tổ.
Nếu có thời gian bạn cũng nên đến tham quan những là nghề thủ công mỹ nghệ đặc sắc như dệt lụa, thổ cẩm của người dân tộc Khmer, nuôi ong lấy mật, khu tinh dầu tràm…
Kết thúc chuyến đi Long Xuyên, chúng tớ đã thay đổi góc nhìn về mảnh đất miền Tây Tổ Quốc này! Long Xuyên có gì chơi? Có rất nhiều! Long Xuyên không hề chán nếu đi và cảm nhận những điểm du lịch đúng cách, Long Xuyên rất thú vị nếu có một cô bạn “chôn rau cắt rốn” ở đây làm hướng dẫn du lịch 2 ngày 1 đêm trong hành trình! Hãy ghé Long Xuyên bạn nhé!
Tác giả: Vũ Văn Tuyến
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal